Ở Việt Nam, trung bình mỗi giao dịch 100 USD thì rủi ro gian lận chỉ ở mức 2,5 cent, thấp hơn nhiều so với mức 6 cent của trung bình toàn cầu. Đây là tin rất tốt khi Việt Nam của chúng ta rất an toàn trong giao dịch, bất chấp những vụ việc khách hàng bỗng dưng mất cả trăm triệu đồng trong tài khoản vừa qua.
Ông Arn Vogels, Giám đốc khu vực Đông Dương của Mastercard.
“Tôi xin chia sẻ một thông tin tốt lành: Ở tất cả những nơi tôi đã đi, Việt Nam có dữ liệu rất tốt về thành công liên quan đến vấn đề an ninh trong hệ thống thanh toán”, ông Peter Gordon, Trưởng nhóm giải pháp thanh toán thương mại, Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Mastercard, cho biết tại hội thảo về Thế giới thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Ông Peter đã làm trong lĩnh vực kinh doanh thẻ 36 năm cho biết: năm 2015, tỷ lệ thất thoát do rủi ro gian lận trong thanh toán thẻ của Mastercard ở mức 0,06% trong mỗi giao dịch 100 USD.
Điều này có nghĩa: Cứ mỗi thanh toán 100 USD qua thẻ, tỷ lệ thất thoát do gian lận chỉ vào khoảng 6 cent – một con số rất thấp.
Và điều bất ngờ là tại Việt Nam, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều.
Theo chia sẻ của ông Arn Vogels, Giám đốc khu vực Đông Dương của Mastercar, tỷ lệ thất thoát do gian lận thanh toán thẻ quốc tế ở Việt Nam là 0,025% cho mỗi giao dịch 100 USD.
Tức, cứ mỗi 100 USD giá trị giao dịch được thực hiện qua thẻ, chỉ 2,5 cent bị thất thoát do rủi ro do gian lận, chưa bằng ½ so với tỷ lệ thất thoát trung bình trên toàn cầu.
“Đây là tin rất tốt khi Việt Nam của chúng ta rất an toàn trong giao dịch, bất chấp những tin tức không hay về việc khách hàng mất tiền trong tài khoản vừa qua. Rõ ràng, các giao dịch qua thẻ ở Việt Nam đã được kiểm soát rất tốt”, ông Arn nhận định.
“Ngày nay, với những tính năng vượt trội: an toàn, đơn giản và thông minh, thanh toán điện tử đem lại những lợi ích và tiện lợi to lớn đối với các hoạt động kinh doanh cũng như cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, khi nói đến thanh toán điện tử, hầu hết mọi người vẫn còn khá e ngại khi sử dụng phương thức thanh toán cao cấp này vì hiểu sai, sử dụng không đúng, hay vì các vấn đề liên quan đến an toàn và an ninh thẻ”, ông Peter cho biết.
Số liệu trên chỉ tính trên hệ thống Mastercard, không tính các loại thẻ khác.
Liên quan đến vấn đề an ninh khi thanh toán bằng thẻ, khi thanh toán bằng phương thức quẹt thẻ (thanh toán qua POS), thẻ đọc POS không giữ lại toàn bộ thông tin thẻ như số thẻ chẳng hạn.
Máy đọc được thiết kế để khi thẻ được quét, hoặc con chip trên thẻ được đọc thì thông tin được gói vào thành một định dạng bảo mật. Khi giao dịch xong, chỉ có 4 con số cuối cùng của tài khoản cá nhân được hiển thị trong thiết bị đọc thẻ. Số xác thực thẻ, số tài khoản đều không được lưu lại.
Còn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, mức độ bảo mật còn cao hơn với công nghệ an ninh 3D, hay còn gọi là mật khẩu 3 tầng mà phổ biến là việc sử dụng OTP (One Time Password – mật khẩu 1 lần).
Một công nghệ khác hay được sử dụng là Virtual Account Number (VAN – Số tài khoản ảo). Khi đăng nhập vào cổng thanh toán, hệ thống sẽ tạo ra số tài khoản ảo hoàn toàn khác với số tài khoản thực của người dùng. Với công nghệ này, dù hacker có hack được máy tính của bạn cũng chỉ có thể hack được số ảo.
Trong tương lai, việc bảo mật trong thanh toán thẻ có thể ứng dụng các công nghệ mới như nhận diện gương mặt, nhận diện vân tay…